Giá vàng có thể được xem là giao dịch tự do chính thức vào tháng Tám 1971, thời điểm mà Nixon (Tổng thống Mỹ) chấm dứt khả năng chuyển đổi 35 đô la Mỹ thành 1 ounce vàng (đặt dấu chấm hết cho Hệ thống Bretton Woods, cũng như Bản vị vàng). Từ đó giá vàng vĩnh viễn rời khỏi mốc 35 USD/ounce (tỷ giá quy đổi vàng – đô la trong Hệ thống Bretton Woods) và đã tăng trưởng vượt mốc 2100 USD/ounce vào tháng Ba 2024 (cao nhất mọi thời đại).

Ngày 31 tháng Mười 2008 được xem là ngày ra đời của Bitcoin (BTC) khi Satoshi công bố Bitcoin Whitepaper (Sách trắng Bitcoin). Bitcoin Whitepaper là luận văn thiết lập cấu trúc cơ bản của mạng Bitcoin, với tiêu đề “Bitcoin: Hệ thống tiền điện tử ngang hàng” dài chín trang.
Tháng Ba 2024, Bitcoin quay lại vùng đỉnh 69000 USD/BTC lập tại tháng Mười một 2021 từ vùng đáy 15000 USD/BTC tháng Mười một 2022.

Đặc điểm chung lớn nhất của Vàng và Bitcoin là đều được nhà đầu tư xem như tài sản tích trữ giá trị (Store of Value) nhờ đặc tính khan hiếm nguồn cung, so với nguồn cung vô hạn của đồng đô la Mỹ – được in ra bởi Cục Khắc & In ấn Hoa Kỳ dưới sự chỉ đạo của Fed (The U.S. Federal Reserve: Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ).
(Nguồn cung vàng toàn cầu khoảng gần 200000 tấn, tương đương vốn hóa hơn 14 nghìn tỷ USD. Nguồn cung Bitcoin chính xác ở 21 triệu Bitcoin, tương đương vốn hóa hơn 1.2 nghìn tỷ USD.)

Vì đồng đô la Mỹ là phương tiện thanh toán toàn cầu nên Vàng và Bitcoin niêm yết giá theo đô la Mỹ: Vàng với ký hiệu XAU/USD, Bitcoin với ký hiệu BTC/USD. Đồng đô la Mỹ yếu đi sẽ làm giá Vàng và Bitcoin tăng lên (xem XAU/USD hay BTC/USD dưới dạng phân số, mẫu số USD giảm xuống (yếu đi) sẽ làm phân số tăng lên). Đồng đô la yếu đi là phần lớn là do cung tiền M2 tăng trưởng liên tục ở HÌNH 3, dưới sự điều hành chính sách tiền tệ của Fed. Hình 4 lấy năm gốc tại 1982, tương ứng chỉ số sức mua bằng 100. Quay ngược lại về thời điểm Fed ra đời năm 1913, chỉ số đạt trên 1000 điểm. Năm 2024 chỉ số đạt 32 điểm, tức từ khi Fed ra đời đến nay, sau hơn 100 năm, đồng đô la mất đi 97% giá trị.

Fed thành lập năm 1913, gồm Hội đồng Thống đốc (FRB) (7 thành viên) và 12 Ngân hàng Dự trữ ở các địa phương. 7 thành viên Hội đồng Thống đốc và 12 người đứng đầu tạo thành 19 người tham gia (participants) của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) hay còn gọi là 19 nhà hoạch định chính sách. Chủ tịch Fed Powell là người có nhiều ảnh hưởng nhất, kế đó là Phó chủ tịch FRB và chủ tịch Fed New York. Fed chịu trách nhiệm điều trần trước Quốc hội Hoa kỳ (Thượng viện & Hạ viện).

Fed có nhiều công cụ để điều hành chính sách tiền tệ, nổi bật nhất là phạm vi lãi suất mục tiêu (target range) cho lãi suất quỹ liên bang (federal funds rate). Lãi suất quỹ liên bang là lãi suất qua đêm mà các ngân hàng tính cho nhau để vay Dự trữ ngân hàng của nhau (Dự trữ ngân hàng là các khoản tiền gửi mà các ngân hàng thương mại gửi tại Fed hoặc tiền mặt giữ trong kho của chính ngân hàng đó).
Tháng Ba 2024, phạm vi lãi suất mục tiêu cho lãi suất quỹ liên bang là 5.25% – 5.50%, một mốc cao nhất trong vòng hai thập kỷ qua từ những năm 2000. Chính việc nâng lãi suất một cách quyết liệt từ 0.00% – 0.25% lên 5.25% – 5.50% từ tháng Ba 2022 đến tháng Tám 2023 là lý do đổ máu cho hầu hết thị trường chứng khoán quốc tế, thị trường tiền điện tử, thị trường bất động sản, … Sâu xa hơn thì thị trường chứng khoán Hoa Kỳ (nơi hội tụ tất cả anh tài ngành tài chính thế giới) hay thị trường tiền điện tử (mang tính rủi ro cao, dòng vốn bơm thổi vào ra chóng vánh) đã tạo đỉnh từ cuối năm 2021 khi có những động thái chấm dứt công cụ Nới lỏng Định lượng (QE) của Fed, tiền đề cho quá trình nâng phạm vi lãi suất mục tiêu cho lãi suất quỹ liên bang năm 2022.

Có thể thấy rõ ràng việc điều hành chính sách tiền tệ từ 2022 của Fed là chính sách thắt chặt mà cụ thể gồm: chấm dứt Nới lỏng Định lượng, thu hẹp bảng cân đối kế toán và quyết liệt nâng phạm vi lãi suất mục tiêu cho lãi suất quỹ liên bang từ 0.00% – 0.25% lên đến 5.25% – 5.50% trong vỏn vẹn 16 tháng. Lý do cho việc này chỉ có một: Lo ngại Lạm phát sau quá trình bơm tiền, tín dụng vào nền kinh tế.
Từ tháng Ba 2020, Fed bơm tiền, tín dụng vào hệ thống tài chính để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua Đ.ạ.i d.ị.c.h thì các mầm mống của lạm phát đã xuất hiện từ đầu năm 2021 và đạt đỉnh ở mốc lạm phát CPI tăng 9.1% (yoy) vào tháng Bảy 2022. Chính vì lý do này nên Fed đã rục rịch chuẩn bị cho chính sách tiền tệ thắt chặt từ cuối năm 2021 – đầu năm 2022. Dữ liệu CPI mới nhất công bố vào ngày 13 tháng Hai 2024 ở mốc 3.1%. Mục tiêu mà Fed muốn đạt được là CPI trong dài hạn đạt 2%/năm. Lạm phát được kiểm soát sẽ là tiền đề cho việc giảm lãi suất.

Có thể thấy tại báo cáo tháng Sáu 2023, có 3/19 nhà hoạch định của Fed cho rằng nên tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2024, trong đó mức cao nhất của Phạm vi mục tiêu Lãi suất quỹ liên bang là 5.75% – 6.00%, tức tăng thêm 50 điểm phần trăm so với mức 5.25% – 5.50%.

Điều tích cực đã xuất hiện: Tại báo cáo tháng Ba 2024 hoàn toàn không có ý kiến cho rằng nên tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2024, trong đó mức cao nhất của Phạm vi mục tiêu Lãi suất quỹ liên bang cuối năm 2024 là giữ nguyên 5.25% – 5.50% với chỉ 2 ý kiến. 17 ý kiến còn lại nhất trí nên giảm phạm vi mục tiêu của Lãi suất quỹ liên bang, mục tiêu ở mức 4.50% – 4.75%, tức giảm 75 điểm phần trăm lãi suất.

Với các dữ liệu CPI vừa công bố vào tháng Hai 2024, mối lo ngại về lạm phát của Fed đã qua đi, dù vậy Fed vẫn sẽ luôn đề cập đến rủi ro lạm phát trong tương lai.
Phạm vi lãi suất mục tiêu cho lãi suất quỹ liên bang đã giữ nguyên mốc 5.25% – 5.50% từ tháng Bảy 2023 đến tháng Ba 2024 và có lý do để nhiều anh tài ngành tài chính đặt cược vào việc Fed sẽ giảm phạm vi lãi suất quỹ liên bang mục tiêu trong năm nay 2024, Điều này càng rõ ràng hơn khi so sánh quyết định về lãi suất quỹ liên bang năm 2024 của 19 nhà hoạch định chính sách của Fed trong hai báo cáo gần nhất: tháng Sáu 2023 và tháng Ba 2024 ở Hình 8 và Hình 9.
Tất cả giải thích suốt 9 hình đã qua đã chỉ rõ: việc giá tài sản tích trữ giá trị như vàng và Bitcoin tăng tiệm cận lên mức cao lịch sử mọi thời đại tại đầu tháng Ba 2024 có lẽ không phải là một sự trùng hợp.


Tổng kết: Khi giá một tài sản chạm lại đỉnh cũ sau một khoảng thời gian dài (đối với Vàng là vùng đỉnh 2000 USD/ounce lập tại tháng Tám 2020, với Bitcoin là vùng đỉnh 69000 USD/BTC lại tại tháng Mười một 2021), hiếm khi nào giá tài sản đó sẽ dừng lại tại đỉnh cũ. Việc phá vỡ đỉnh cũ là dấu hiệu lớn của một chu kỳ mở ra sắp tới, có thể với Vàng là 2500 USD/ounce và Bitcoin là 90000 USD/BTC và hơn thế nữa. Không một ai sẽ biết giá Vàng và Bitcoin sẽ lập đỉnh tại đâu trong cơn sóng lần này. Duy chỉ có một điều có thể thống nhất với nhau là Fed sẽ có thể thực thi chính sách tiền tệ mở rộng: Phạm vi mục tiêu cho lãi suất quỹ liên bang sẽ có khả năng rất lớn là giảm, chính xác là giảm khoảng 75 điểm về mức 4.50% – 4.75%. Điều này tạo tiền đề rất lớn cho cơn sóng thần của Vàng và Bitcoin – những tài sản lưu trữ giá trị thông dụng (và có thể là cho cả thị trường chứng khoán toàn cầu).